Ngược dòng thời gian, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một vài phim truyện truyền hình của nước ngoài được trình chiếu trên sóng như: “Con bạch tuộc”, “Trên từng cây số”, “Maika từ trên trời rơi xuống”… đã tạo nên một đam mê lớn trong khán giả. Nhập vào cao trào của sự đam mê ấy, ngay trong những năm đầu thành lập, TFS đã đáp ứng mong mỏi của khán giả bằng việc bắt tay sản xuất bộ phim truyện nhiều tập đầu tiên “Người Đẹp Tây Đô”. Đó cũng là phim truyện nhiều tập đầu tiên trong cả nước. Chuyện phim nói về một người phụ nữ như một người hùng, người ấy đẹp người, đẹp nết. Cách chọn đề tài đã phần nào thể hiện sự nặng nợ của Hãng phim với đề tài thời chiến và coi trọng “tính ăn khách” của phim ảnh phía Nam. Cũng trong năm đầu, bộ phim truyện “Giữa Dòng” ra đời và đã tạo ra một kỷ lục về giải thưởng. Sự thành công của phim còn là thước đo về danh hiệu cho những nghệ sĩ tham gia làm phim.
Lần đầu tiên trong cả nước, TFS khá thành công khi bắt tay làm phim truyện truyền hình theo thể loại Sitcom (hài kịch tình huống) với bộ phim “Lẵng hoa tình yêu”. Cũng là đầu tiên, người Việt Nam lấy kịch bản ngoại quốc chuyển thành chuyện Việt Nam mà từ đó có thêm thuật ngữ dùng “format” nước ngoài. Những “format” ấy được ghi hình chủ yếu trong phim trường, nên cũng là lần đầu tiên, một nhận thức mới và một thể loại mới nhanh chóng ra đời, phát triển rầm rộ trên làn sóng truyền hình cả nước. “Lẵng hoa tình yêu” cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên có sự hợp tác quốc tế, với các nhà sản xuất và nghệ sĩ Hàn Quốc, nước có công nghệ phim truyền hình mạnh, trẻ trung và hiệu quả ở Châu Á.
Riêng TFS, với trên 200 đầu phim với hàng ngàn tập phim và hàng loạt giải thưởng dánh giá, đã nói lên vai trò, vị trí của mình trong sản xuất phim truyện Việt thời gian qua, trong đó có nhiều phim gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Theo trình tự thời gian có thể dẫn ra vài ví dụ: “Người đẹp Tây Đô”, “Xóm nước đen”, “Đất Phương Nam”, “Giã từ dĩ vãng”, “Đồng tiền xương máu”, Ngọn nến hoàng cung”, “Blouse trắng”, “Dưới cờ đại nghĩa”, “Câu chuyện pháp đình”, “Vó ngựa trời Nam”, “Đồng quê”, “Đất mặn”, “Cỏ biếc” v.v…Có thể nói, phim truyện của Hãng phim Truyền hình TFS luôn được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng cũng như công nghệ sản xuất tiên tiến. Càng ngày TFS càng tính toán, đổi mới các khâu trong quy trình sản xuất, ưu tiên khâu kịch bản, mở rộng các đề tài về tâm lý xã hội đương đại; những đề tài về lịch sử, truyền thống và thiếu nhi cũng được điều chỉnh lại về phương pháp thể hiện cho phù hợp với nhu cầu khán giả. Định hướng nầy hết sức phù hợp, kịp thời và đã phát huy được hiệu quả.
Phim truyền hình Việt đang thoái trào, hệ quả của một thời “người người làm phim, nhà nhà làm phim”. Không chỉ có phim truyền hình, ngay như các gameshow, các chương trình truyền hình thực tế cũng bắt đầu sụt giảm lượng người xem. Đã đến lúc khán giả bão hòa với phim và các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, những người làm phim truyền hình chân chính và khán giả yêu truyền hình vẫn tin rằng phim truyền hình rồi sẽ phát triển, vấn đề là người làm truyền hình phải có tâm và phải được định hướng cụ thể. Ban biên tập các đài truyền hình phải chọn lọc tác phẩm, quản lý, giám sát chặt chẽ khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng, nội dung.
Thực tế hiện nay phim truyền hình Việt Nam còn được khán giả quan tâm, nói không quá chủ quan, có lẽ chủ yếu vẫn là dòng phim của TFS và VFC, vì còn giữ được uy tín về chất lượng. Đây là một vinh dự lớn, đồng thời cũng là thách thức với TFS. Những bộ phim gây được sự chú ý và nhận được nhiều quan tâm, yêu mến của khán giả màn ảnh nhỏ đều chủ yếu là các phim của hai hãng phim này. Về cơ bản, khán giả vẫn luôn ủng hộ phim Việt. Dù có thể khó lặp lại hào quang cũ, song để khán giả không hoàn toàn quay lưng với phim truyền hình, trách nhiệm ấy đặt lên vai chính những người làm phim, trong đó có những người làm phim truyện của TFS./.