Ký sự Biển đảo quê hương lên sóng HTV

Đánh giá bài này
(1 Bình chọn)

     Sau một thời gian chuẩn bị, "Ký sự Biển đảo quê hương" do Hãng phim TFS – Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh thực hiện sẽ chính thức lên sóng HTV lúc 12g30 ngày 17/11/2016.

     NSƯT Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim TFS cho biết: “Ký sự Biển đảo quê hương được Ban Tổng Giám đốc HTV chỉ đạo và giao TFS thực hiện. Ý tưởng thực hiện bộ ký dài kỳ này được TFS phác thảo từ năm 2013. Năm 2014, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn phác họa đường dây kịch bản và cùng đội ngũ đạo diễn, biên kịch của TFS thực hiện trên khắp 28 tỉnh thành có biển của Việt Nam. Bộ phim đi sâu giới thiệu truyền thống, văn hóa, lịch sử, lý giải cội nguồn, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, đời sống của ngư dân các làng chài. Ký sự Biển đảo quê hương là một bức tranh tổng thể về Biển đảo Việt Nam. Bộ phim sẽ góp vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, tình yêu biển đảo đối với Nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài, trách nhiệm công dân trước những mối đe dọa của các thế lực tham lam. Bộ phim cũng sẽ khơi dậy khát vọng vươn lên, làm giàu từ biển đảo, trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt”.

Làng chài Nghi Sơn - Thanh Hóa

Làng cá Cảnh Dương - Quảng Bình

     Do đề tài rộng, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, kinh phí tổ chức và phụ thuộc thời tiết rất lớn nên bộ phim thực hiện trong ba năm, từ 2014 – 2016. Hiện nay TFS đã thực hiện ghi hình và đang thực hiện giai đoạn hậu kỳ các tỉnh có biển thuộc vùng 1, vùng 5 và một phần của vùng 2, vùng 3. Trong tương lại, TFS sẽ thực hiện tiếp các đảo xa bờ của Việt Nam. 

Thăm ngư trường tại Trường Sa

Tác nghiệp biển Trà Cổ - Quảng Ninh

Ký sự Biển đảo quê hương dự kiến dài 70 tập x 20 phút (năm 2017 phát sóng 30 tâp).  

Ê kíp thực hiện: đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hoàng, Lê Vũ Hoàng, Tường Phương, Phương Nam. Biên kịch: Nhà báo Trần Đức Tuấn, Minh Diệu, Nguyễn Trọng Tín.


BIỂN ĐẢO VIỆT NAM – KHÔNG GIAN SINH TỒN CỦA NGƯỜI VIỆT 

     Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km, khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì Việt Nam ngày nay không chỉ có phần lục địa hình chữ S mà còn có cả vùng biển rộng trên một triệu km2 , gấp 3 lần diện tích đất liền. Nét độc đáo và vị trí địa lý vùng biển Việt Nam là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều hệ thống tự nhiên, văn hóa, nơi hội tụ nhiều cơ hội của phát triển của khu vực và thế giới. Xây dựng, phát triển và bảo vệ biển là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong việc gìn giữ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ mang ý nghĩa sống còn của dân tộc Việt.

     Vươn ra biển, khai thác và bảo vệ biển là sự lựa chọn có tính chất sống còn của dân tộc Việt Nam. Việt Nam sẽ phấn đấu để trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vũng chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước – xã hội, có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. 

Bài và ảnh: Minh Diệu

xem 7349 lượt